Đọc đề để hiểu mình cần trả lời như nào, triển khai ý ra sao, viết bài theo hướng nào?

Đọc và phân tích kĩ đề

Đọc đề bài là bước nhất thiết học sinh phải thực hiện khi làm bài thi, đặc biệt đối với môn Ngữ Văn các bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn cho công việc này. Đọc đề để hiểu mình cần trả lời như nào, triển khai ý ra sao, viết bài theo hướng nào?

Đặc biệt, nếu không đọc kĩ đề, phân tích kĩ những từ khóa bạn sẽ dễ rơi vào những trường hợp nhầm lẫn đáng tiếc. Giữ bình tĩnh để phân tích đề cẩn thận nhất, dù có trúng tủ hay không. Khi đã hiểu được ý đề bài muốn nói gì, bạn cũng sẽ làm bài được tốt hơn.

Nháp dàn ý sơ giản trước khi viết

Đừng nghĩ rằng chỉ những môn tính toán mới cần nháp. Ngữ văn cũng cần đến sự hỗ trợ này. Trước khi làm bài, bạn cần ghi ra sẵn dàn ý và sắp xếp chúng lại theo một trình tự hợp lý nhất để tránh tình trạng sót ý hay thừa ý.

Luôn cần có luận điểm rõ ràng

Trong quá trình chấm bài, một giáo viên phải đảm nhận đọc đến cả trăm bài viết. Sự lặp lại liên tục ấy đôi khi sẽ gây nhàm chán với người chấm. Với một bài văn rõ ràng luận điểm, ý tứ được hiện sắc nét trong các đoạn, giáo viên sẽ dễ dàng hài lòng và cho điểm cao hơn so với những câu văn lan man, không rõ ý.

Một lời khuyên nhỏ rằng với bài thi Ngữ văn yêu cầu không cần quá trau chuốt về từ ngữ, nhưng nhất thiết cần rõ ràng về mạch ý, ý phải bật lên được ở từng đoạn. Khi triển khai ý trong các luận điểm, bạn cần xây dựng đoạn văn chặt chẽ, có bố cục rõ ràng, có câu dẫn và khi kết có câu chuyển ý khéo léo để người đọc không bị “tuột” mạch cảm xúc.

Mở bài hấp dẫn

“Đầu xuôi đuôi lọt”, ấn tượng ban đầu tốt đẹp sẽ giúp ích rất nhiều cho những cảm nhận về sau. Viết văn cũng như thế, một mở bài hay sẽ khiến người đọc cảm thấy dễ chịu và muốn đọc tiếp những đoạn về sau hơn.

Một mẹo nhỏ rằng, bạn nên viết trước mở bài trong lúc ôn tập ở từng văn bản cụ thể, sau đó dựa theo mở bài sẵn ấy biến tấu theo yêu cầu đề, tránh mất thời gian quá nhiều vào phần mở đầu.

Bạn có thể dùng một câu thơ hay lời văn, câu danh ngôn của các tác gia nổi tiếng trong và ngoài nước có ý nghĩa gần gũi với tác phẩm được đề cập trong đề thi nhằm tạo ấn tượng ngay từ đầu với giám khảo.

Tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc

Bạn nên tuân thủ một số “quy tắc ngầm” mà các anh chị đã từng đạt điểm tốt trong kỳ thi năm trước truyền lại:

+ Hạn chế tẩy xóa.

+ Tránh các lỗi sai về chính tả, ngữ pháp, câu văn cộc lốc, không có chủ – vị.

+ Diễn đạt ý rõ ràng, không mập mờ, gây hiểu lầm cho người đọc, câu văn sau phải làm rõ ý cho câu văn trước.

+ Sử dụng từ ngữ đúng tình huống và hoàn cảnh.

+ Viết đủ ý quan trọng hơn viết dài.

Phân bố thời gian làm đề thi môn Ngữ Văn hợp lý

Đây là một trong những bí quyết quan trọng nhất để làm một đề thi Ngữ văn hoàn chỉnh. Theo kinh nghiệm của nhiều thầy cô, các thí sinh thậm chí là học sinh giỏi đều hay mắc phải lỗi về bố trí thời gian không hợp lý dẫn đến kết quả bài thi không khả quan.

Để tránh được lỗi đó, các thí sinh cần đọc kỹ đề thi một lượt, xác định điểm và thời gian làm cho từng câu. Thời gian làm bài môn thi Ngữ văn là 120 phút. Với cấu trúc đề quen thuộc 2 phần: Đọc - hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm), thí sinh cần có sự đầu tư đúng mức cho tất cả các phần, tránh mất thời gian quá nhiều cho riêng một nội dung nào.

Để bài làm được điểm cao thì không thể thiếu việc rèn luyện hằng ngày.

Rèn kỹ năng viết hàng ngày với nhiều dạng đề

Để bài làm được điểm cao thì không thể thiếu việc rèn luyện hằng ngày được. Khi luyện viết, luyện nhiều dạng đề hằng ngày sẽ đồng nghĩa với việc bạn nắm chắc các cấu trúc riêng của chúng. Nhờ vậy, bước vào phòng thi bạn cũng sẽ tự tin hơn.

Với khả năng giải quyết đắc lực và hiệu quả nhu cầu học, ôn thi của học sinh, ứng dụng Onluyen.vn đã được trao Danh hiệu Sao Khuê 2019 cho sản phẩm tiêu biểu của ngành phần mềm, dịch vụ CNTT của Việt Nam.

Những nhà sáng lập ứng dụng nền tảng học tập Onluyen.vn tin rằng, tất cả các em học sinh đều xứng đáng được học tập trong một môi trường chất lượng, có tính cá nhân hoá cao.

“Ăn” điểm trình bày một cách tuyệt đối

Thứ nhất, đảm bảo đúng nguyên tắc hình thức của một đoạn văn và bài văn. Đối với đoạn văn thì không được phép xuống dòng, có câu mở và kết đoạn và nên viết theo lỗi diễn dịch để thể hiện rõ quan điểm cá nhân. Còn đối với bài văn, đảm bảo đúng bố cục mở bài, thân bài và kết bài. Nên nhớ rằng, trong barem chấm điểm chắc chắn có điểm cho phần trình bày đúng bố cục nhé!

Thứ hai, có thể kẻ/gấp nếp lề từ 1,5-2cm tính từ mép trái giấy thi (sử dụng thước kẻ 30cm). Việc này sẽ giúp người chấm có khoảng không gian để ghi điểm sang bên cạnh đồng thời nó cũng khiến bài viết trở nên thoáng đãng, rõ ràng hơn. Ngoài ra, việc kẻ lề cũng giúp các bạn "ăn gian" một chút xíu diện tích giấy thi, lúc này viết văn sang tờ thứ 2, thứ 3 trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Thứ ba, áp dụng triệt để quy tắc "câu cách câu 2 dòng, ý cách ý 1 dòng". Ví dụ: Khi bạn làm xong câu 1 phần đọc hiểu bạn nên cách ra 2 dòng để bắt đầu câu 2 nghị luận xã hội. Tương tự, khi làm xong ý 1 bạn nên cách ra 1 dòng để làm tiếp ý 2. Việc này sẽ khiến bài viết được thoáng đãng, không ríu rít giữa các phần, đặc biệt ở những phút cuối cùng khi làm bài bạn chợt nhớ ra cần bổ sung thêm ý gì đó thì những dòng trống này sẽ là "cứu tinh" cho điểm trình bày của bạn đó!

Thứ tư, hạn chế tối đa việc gạch xóa, sai chính tả. Chữ bạn có thể hơi xấu nhưng bắt buộc phải dễ đọc.

Không bỏ bất cứ câu nào

Với đặc thù của môn thi tự luận và cách thức đổi mới đề thi hiện tại, đề thi khuyến khích thí sinh nêu rõ quan điểm và tư duy cá nhân. Do đó, bạn không nên bỏ bất cứ một câu hỏi hoặc một phần nào, bởi chỉ cần nêu rõ cách hiểu, cách nghĩ về vấn đề (hoặc nhận định, đánh giá về tác phẩm văn học) thì chắc chắn sẽ chạm được đến yêu cầu của đề, có thể giúp bạn lấy được điểm của phần đó.

Chú trọng chi tiết sáng tạo

Sáng tạo trong bài thi Văn sẽ mang lại cho bạn điểm cao. Có nhiều yếu tố cấu thành nên sự sáng tạo: lối diễn đạt, dẫn chứng, bố cục, luận điểm, ngôn từ... Trong một đoạn văn các bạn nên đa dạng hóa kiểu câu, bên cạnh câu đơn, câu tường thuật, nên dùng câu phức, cảm thán, câu hỏi tu từ nhằm tạo ra giọng điệu mới; các bạn cũng nên sử dụng các dẫn chứng thực tế, gần gũi cho bài Nghị luận xã hội, hay những chi tiết trong các tác phẩm văn thơ khác để so sánh và làm nổi bật hơn tác phẩm được yêu cầu phân tích song không nên dùng những dẫn chứng quá quen thuộc, quá phổ biến dễ gây nhàm chán; ngôn từ nên đa dạng linh hoạt và chính xác...

Chuẩn bị tinh thần thoải mái, tránh bị áp lực

Chẳng có ai không học chữ nào mà đạt điểm cao được. Vì vậy, bạn cần có sự chuẩn bị thật chu đáo và nghiêm túc với kỳ thi. Việc chuẩn bị ở đây vừa là tinh thần, vừa là các dụng cụ mang vào phòng thi để bạn có thể làm bài với tâm thế yên tâm và thoải mái nhất.

Khi vào phòng thi, hãy bỏ hết lại những lo lắng và muộn phiền bên ngoài, chỉ mang theo kiến thức và một tinh thần thoải mái nhất. Khi đó, bạn mới có đủ tỉnh táo để làm bài thật tốt.