Sự thật về món lòng se điếu

Admin

Nếu như trước đây, nhắc đến lòng lợn nhiều người sẽ nghĩ đến món lòng non, lòng già, dạ dày, dồi lợn... thì vài năm gần đây có một loại lòng được những người sành ăn nhắc đến nhiều hơn cả đó là lòng se điếu.

Lòng se điếu chính là đoạn lòng non của con lợn nhưng nó lại là một dạng đột biến. Hình dáng của chúng giống ống se điếu bát hút thuốc lào. Khi ăn rất giòn, ngọt, hơn nữa lại cực kỳ khó tìm. Loại lòng này được bán với giá 1,5 đến 2,5 triệu đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng có để mua.

Dù thích lòng se điếu là vậy nhưng nhiều người vẫn cảm thấy bất an khi tiêu thụ loại lòng này, bởi có thông tin cho rằng: "Lòng có sán mới thành lòng se điếu", hơn nữa có rất nhiều hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội chứng minh trong loại lòng này có chứa không ít các loại giun sán, ký sinh trùng. Những thông tin này chắc chắn đã khiến "team mê lòng" cảm thấy hoang mang.

Rủi ro đáng sợ khi ăn lòng se điếu và các loại nội tạng động vật

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), lòng lợn thuộc hệ tiêu hóa của con lợn. Trong khi đó, lợn là con vật ăn tạp, việc trong lòng lợn có chứa các ký sinh trùng như giun sán là vô cùng dễ hiểu.

Trả lời về việc có phải lòng se điếu là loại lòng dễ chứa sán hay không. Các chuyên gia cho rằng, không chỉ phần lòng se điếu mà tất cả các bộ phận nội tạng khác của lợn cũng đều có chung tỉ lệ chứa sán. Lòng se điếu thuộc ruột non của lợn, là bộ phận xử lý thức ăn vì thế nguy cơ chứa giun sán là rất cao.

361047-nha-hang-ita-food-mart-body-4.jpeg

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo, dù ăn lòng se điếu hay bất cứ loại lòng nào khác thì khâu sơ chế trước khi làm phải đặc biệt cẩn thận. Cần đảm bảo "ăn chín, uống sôi". Nếu các phần lòng lợn không được rửa sạch, sát muối, loại bỏ hết chất bẩn hay ký sinh trùng trước khi chế biến thì nguy cơ nạp cả búi sán vào cơ thể là có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, các món nội tạng động vật như lòng lợn chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Lượng chất bép này cao gấp nhiều lần so với thịt. Nếu thường xuyên ăn lòng lợn sẽ làm tăng mỡ máu, gây hại cho tim mạch.

Đó là còn chưa kể đến rủi ro mua phải lòng lợn, nội tạng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng... còn khiến cơ thể nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.Coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu, gây ngộ độc hoặc nhiễm ký sinh trùng.

Cần lưu ý điều gì khi ăn lòng lợn?

- PGS Thịnh cho hay, các loại nội tạng động vật chỉ nên mua ở những cửa hàng có uy tín, nắm rõ được nguồn gốc của chúng. Khi đi mua, cần chọn những phần ruột phẳng phiu và tròn, ruột non có màu trắng hồng, nhẵn nhụi, không có mùi lạ.

- Lòng khi mua cần có sự đàn hồi, không xuất hiện những nốt u cục như hạt gạo vì đó dễ là lợn nhiễm bệnh.

361047-nha-hang-ita-food-mart-body-1.jpeg

- Sau khi mua lòng về cần loại bỏ bớt mỡ dính trên lòng. Đồng thời lột ngược lại phần mặt trong của lòng để sơ chế sạch. Nấu chín kỹ rồi mới ăn. Tốt nhất nên tự sơ chế và chế biến ở nhà để đảm bảo vệ sinh.

- Lòng lợn dù ngon đến mấy nhưng cũng chỉ ăn mỗi tuần 2 lần là cùng, không nên ăn nhiều vì lượng calo, cholesterol quá cao. Mỗi lần ăn khoảng 50-70g đối với người lớn; 30-50g đối với trẻ nhỏ.

- Người mắc bệnh về huyết áp, tiểu đường, tim mạch thì tuyệt đối không nên ăn lòng lợn vì chúng dễ khiến bệnh trở lên nghiêm trọng hơn.